Đại lộ tôi chọn, ánh sáng tôi mang
Tôi không giỏi Toán.
Đó là sự thật mà tôi phải mất hai năm để chấp nhận, sau rất nhiều lần cố gắng nhưng vẫn loay hoay trong mê cung của những con số. Tôi có thể viết một bài cảm nhận dài cả trang giấy chỉ sau một buổi chiều đọc truyện, có thể say mê với từng câu chữ trong sách Văn, nhưng với Toán thì không. Công thức hình học cứ dài ra mãi như một sợi dây vô hình trói chặt tôi. Những con số thì lộn xộn như một bản nhạc không có giai điệu, khiến tôi lạc lõng giữa lớp học đầy những người hiểu bài nhanh hơn mình.
Hình 1: Namikokoro cảm thấy lạc lõng
Tôi có thể rất tự hào với văn học, nhưng toán lại như sợi dây vô hình trói chặt tôi.
Tôi từng rất xấu hổ. Nhìn quanh, bạn bè tôi đứa nào cũng giỏi đều, ít nhất cũng không có môn nào lẹt đẹt như tôi. Tôi sợ mỗi lần trả bài kiểm tra, sợ ánh mắt thất vọng của mẹ khi thấy điểm số đỏ trên trang giấy. “Sao con học Văn giỏi vậy mà Toán lại tệ thế? Cố gắng thêm một chút đi con".
Cố gắng? Tôi đã cố gắng nhiều lắm rồi. Tôi đã thức khuya, làm thêm bài tập đến khi mắt đỏ hoe, đã ghi chú bằng đủ màu bút của Thiên Long để phân tích từng công thức. Tôi đã học thuộc cả những thứ mình không hiểu, nhưng khi cầm bút làm bài, mọi thứ vẫn cứ rối tung. Những con số như đang nhảy múa, chế giễu sự bất lực của tôi. Tôi chỉ biết cười gượng. Không ai hiểu rằng tôi đã nỗ lực đến nhường nào, chỉ là… Toán không thuộc về tôi. Cho đến một ngày, cô giáo Văn của tôi nhìn tôi thật lâu, rồi nhẹ nhàng nói : “ Em có biết Mozart không? Ông ấy là thiên tài âm nhạc, nhưng có thể ông chẳng giỏi đá bóng đâu. Ai cũng có một thứ thuộc về mình, điều quan trọng là em biết trân trọng nó".
Hình 2: Namikokoro luôn cảm thấy hoang mang về chính mình
Ai cũng có một thứ thuộc về mình, và điều quan trọng là phải biết trân trọng nó.
Tôi thẫn thờ.
Lần đầu tiên, có người không trách tôi vì học Toán kém, không bảo tôi phải cố gắng để giỏi tất cả mọi thứ. Lần đầu tiên, có người nói với tôi rằng không cần giỏi mọi thứ, chỉ cần giỏi điều mình thực sự thuộc về. Từ hôm đó, tôi không còn dằn vặt bản thân nữa. Tôi vẫn học Toán, nhưng không còn xem nó là một cuộc chiến. Tôi chấp nhận rằng có những thứ không dành cho mình, và cũng có những thứ chỉ thuộc về riêng mình mà không ai có thể thay thế. Tôi yêu Văn. Tôi yêu cách câu chữ dẫn dắt suy nghĩ, yêu những buổi chiều ngồi lặng lẽ bên ô cửa sổ, để từng ý tưởng len lỏi qua từng trang giấy. Tôi trau dồi điều đó, từng chút một. Và rồi, những bài văn của tôi được cô giáo đọc trước lớp, được chọn đi thi học sinh giỏi. Tôi chợt nhận ra, mỗi người đều có một bản nhạc của riêng mình. Không ai bắt buộc phải chơi tất cả các loại nhạc cụ, chỉ cần tìm được thứ phù hợp với mình, và chơi nó bằng cả trái tim.
Viết bình luận