Thông số kĩ thuật :
Tác giả | Nguyễn Quang Lập |
Nhà cung cấp | Saigon Books |
Năm sản xuất | 01-2021 |
Kích thước | 13 x 20.5 cm |
Số trang | 200 trang |
Hình thức | Bìa mềm |
Khuyến cáo | Tránh nguồn nhiệt, hóa chất. |
Đôi lời về: NHỮNG TẢN VĂN SUÝT BỊ BỎ QUÊN CỦA BỌ LẬP Năm chục tuổi, tôi từng tuyên bố sẽ treo bút vào năm tròn sáu chục, nhưng rồi tới khi tròn sáu chục thì thèm viết kinh khủng, không sao buông được bút. Năm nay sáu lăm tuổi vẫn thèm viết, tuy trí nhớ giảm sút, viết lách rất khó khăn. Tôi không tuyên bố gác bút nữa nhưng cũng chuẩn bị cho việc nghỉ ngơi. Còn một cuốn tiểu thuyết nữa ráng viết cho xong, đành ngưng lại những tản văn, không thể đánh đu thêm nữa. Đinh ninh tất cả những tản văn đều đã in thành sách, trừ dăm bảy ghi chép tùy bút mới viết sau này, tôi quyết định khép lại 7 cuốn tản văn, không in thêm cuốn nào nữa. Một ngày đẹp trời một bạn Facebook gửi cho tôi bản copy Blog Quê Choa cũ, bây giờ mới ngớ ra có vài trăm tản văn lớn nhỏ dài ngắn chưa in vào đâu cả. Tiếc của giời tôi chọn lại một số, thêm thêm bớt bớt, thay tựa đổi câu, để in thành một cuốn, là cuốn này đây. Cũng trong cuốn này xin được gửi kèm một chút phê bình, một chút thôi, để khoe với mọi người ông bọ cũng biết viết phê bình. Tôi định đặt tựa là “Những tản văn còn sót lại của Bọ Lập” nhưng sợ bị huông nên đổi lại thành “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập”, nó đúng là suýt bị bỏ quên thật. Nay kính cẩn gởi tới bạn đọc với lòng biết ơn sâu sắc những ai luôn dõi theo suốt bốn mươi năm văn chương có lẻ đủ mùi hỉ nộ ái ố của cuộc đời tôi. - Nguyễn Quang Lập Trích đoạn hay trong sách “Những tản văn suýt bị bỏ quên của Bọ Lập”: “Và lạnh. Mùa đông sương sớm lạnh giá, cái lạnh rin rín nước. Mùa đông mưa lạnh buốt, cái lạnh sũng nước. Không như sương không như mưa, mưa phùn man mát lành lạnh, cái lạnh thanh thanh. Mưa phùn đủ lạnh để cho ta khi cầm tay nhau, áp vào má nhau, sà vào lòng nhau... bỗng thấy ấm áp lạ thường. Mưa phùn là vậy đó nhưng chỉ có ở Hà Nội mới cảm được hết, không biết vì sao. Có lẽ mưa phùn ở đây ít bị pha tạp bởi sương mù, gió bấc. Cũng có thể Hà Nội hợp với mưa phùn, tưởng động mà tĩnh, tưởng lạnh mà mát, lặng lẽ nhẹ nhàng không hề vướng víu tiếng ồn như người Hà Nội (Là nói người Hà Nội Đông Đô, Hà Nội Kẻ Chợ). Mới hiểu vì sao ở đâu cũng thích mưa phùn, thích nhất vẫn là người Hà Nội.” --- “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung. Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu...” --- “Miền Trung, “cái chảo rang của đất đựng trời”, “đông chưa tàn, hạ đã rạn ban mai”. Sống trọn kiếp với miền Trung mới thấm cái chữ rạn kia. Mùa hạ đã rạn trời, “nắng rúc xù mái rạ”, “bảnh mắt nắng rộm màu cá rán/nghe mo nang lốp bốp nổ khắp làng”, “trời thủng lam nham nắng chiều vàng ổi”. Những mùa hạ điêu đứng. Nắng điêu đứng nắng. “Đất khát chen nhau gầy rạc lời ru”, “những dòng sông thoi thóp nước”. Gió điêu đứng gió. Những ngọn gió “thổi cay thổi rát”, những ngọn gió “cào lửa vào đêm”. Đất gan gà gió xới “bụi đỏ vùi chột cả bóng tre” và “cát mênh mang là cát”, “lốc gió xoáy hình vành nón”, “bạc phau trang giấy trắng học trò”. Đã từng vật vã trong mịt mù cát bụi, tôi hiểu vì sao nhà thơ lại nói: “câu ví dặm nằm nghiêng/trên nắng và trên cát” và vì sao “đến câu hát cũng hai lần sàng lại”.”